So với các khu vực chức năng khác trong ngôi nhà thì bếp là khu vực trung tâm, nơi nấu nướng, tụ họp của các thành viên và “giữ lửa” cho hạnh phúc gia đình. Theo quan điểm của người xưa, bếp cần kín đáo, tránh mưa, gió tạo điều kiện thuận lợi cho nấu nướng, vì lí do này, việc thiết kế cửa sổ trong khu vực bếp có phần khó khăn. Để khắc phục hạn chế này, đồng thời mang đến sự thông thoáng, bớt đi tính “nóng nảy” cho căn bếp nhà bạn, dưới đây là một vài phương pháp thiết kế cho cửa số khu vực bếp:
1. Xác định hướng đặt cửa số:
Để mang đến ánh sáng, gió tự nhiên cho căn bếp mà vẫn không ảnh hưởng đến quá trình nấu nướng, cửa sổ không nên đặt đối diện hoặc ngay phía trên của khu vực bếp nấu. Thay vào đó nên chọn khu vực phía trên bồn rửa, hoặc kết hợp cùng hệ thống kệ tủ bếp. Xét về hướng, nên đặt cửa sổ tại hướng Đông nhằm đón ánh nắng sáng, tránh được gió mạnh. Không nên đặt cửa sổ theo hướng Tây Bắc vì mùa gió chướng sẽ gây khó khăn cho quá trình nấu nướng và ảnh hưởng đến sức khỏe. Hạn chế đặt cửa sổ tại hướng Tây vì nắng nóng buổi chiều sẽ gây khó chịu.
2. Xác định kích thước:
Do đặc thù của khu vực bếp với nhiều tủ kệ, đồ gia dụng phục vụ cho nấu nướng, cửa sổ nên thiết kế với kích thước ngang bàn ăn hoặc chậu rửa trở lên. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vệ sinh bếp cũng như cửa sổ sau này. Ngoài ra, đối với các cửa sổ lớn, cần thiết kế bộ khung bằng gỗ hoặc sắt vững chắc nhằm đảm bảo tính an toàn cho sinh hoạt trong bếp. Các khung cửa sổ này có thể được phủ một lớn sáng chóng bám bẩn và đảm bảo tính thẩm mỹ.
3. Các loại cửa sổ phù hợp cho không gian bếp
Không gian bếp thường hạn chế khả năng đóng/mở của cửa sổ do việc bố trí nhiều đồ gia dụng trong một diện tích khá hạn chế. Dưới đây là một vài loại cửa sổ khá phù hợp cho bếp:
- Cửa sổ thanh trượt: là loại cửa kính, khung nhôm. Ưu điểm của loại cửa này là dễ dàng trượt để đóng/mở, không chiếm diện tích khi mở cửa, phù hợp với không gian bếp cho nhà/biệt thự phố vốn có không gian hạn chế.
- Cửa sổ gấp: đây là loại cửa sổ mang phong cách cổ điển, bằng gỗ hoặc nhôm kính. Dễ dàng đóng mở, trao đổi không khí tốt cho không gian trong và ngoài nhà. Nhược điểm là khá chiếm diện tích khi mở và cần kiểm tra các chốt bản lề thường xuyên để đảm bảo an toàn. Loại cửa sổ này phù hợp với biệt thử cổ điển, biệt thự ngoại ô hoặc các ngôi nhà có phong cách vintage.
- Cửa số trần: là loại cửa kính được lắp từ vị trí cao hơn chậu rửa cho đến trần nhà, tận dụng được ánh sáng tự nhiên, đóng vai trò như một bức tường. Tuy nhiên cần gia công khung cửa sổ vững chắc để đảm bảo độ an toàn.
- Cửa sổ 3D: biến tấu của dạng quầy pop-up, cửa sổ 3D mang đến nét vui nhộn, hiện đại cho gian bếp nhà. Khá phức tạp trong quá trình thiết kế và tốn công vệ sinh
Đa số các thiết kế cửa sổ cho không gian bếp đều được lựa chọn kết hợp cùng hệ thống kệ tủ, vừa tránh được sự đơn điệu, vừa phát huy được công năng cho cả hai.